Nguyên nhân và cách xử lý chim bố mẹ ném con ra khỏi tổ

Nguyên nhân và cách xử lý chim bố mẹ ném con ra khỏi tổ

By longnkp / Oct 23 2017 / Sinh sản

Chim bố mẹ không chịu nuôi con, vứt con ra khỏi tổ là vấn đề khá phổ biến mà người mới nuôi chim sinh sản rất dễ gặp phải. Đặc biệt ở chim 7 màu, khi người nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm, ghép đẻ quá sớm khi chim chưa đến tuổi sinh sản, ghép đẻ khi thể trạng chim chưa ổn định để sẵn sàng nuôi con, hoặc đơn giản chỉ là do bạn kém may mắn khi chọn phải những con chim bố mẹ xấu tính xấu nết, nuôi con vụng về. Bằng việc quan sát các hành vi của chim bố mẹ trong quá trình bắt cặp, xây tổ và ấp trứng, chúng ta có thể dự đoán một phần liệu chim non nở ra có được chăm sóc an toàn bởi chim bố mẹ hay không, nếu có các dấu hiệu xấu, cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đối phó với tình huống không mong muốn này.

1. Các dấu hiệu nhận biết

Dấu hiệu tích cực:
  • Trong giai đoạn ấp trứng, chim không bị gây phiền phức bởi các tác động ngoại cảnh từ con người, chó mèo, chuột, rắn rết quấy phá.
  • Chim bố mẹ vẫn nằm lì trong tổ để ấp ngay cả khi bạn mở hộp tổ để soi mói, kiểm tra.
  • Cả chim trống và chim mái thường nằm ấp cùng nhau trong tổ, hoặc thay phiên nhau khi 1 trong 2 con ra ngoài để ăn uống.
  • Chim trống thích đậu gần hộp tổ, canh gác ở lỗ ra vào của tổ vào ban đêm.
Dấu hiệu tiêu cực:
  • Chim trống mái không có biểu hiện ve vãn nhau, thường xuyên đuổi đánh nhau nhưng trứng lại xuất hiện trong tổ trong vòng 3 tuần sau khi ghép đôi. Lưu ý rằng điều này chỉ áp dụng cho những con chim được nuôi tách trống mái riêng biệt trước khi sinh sản.
  • Xây tổ một cách lười biếng hoặc không đầy đủ.
  • Trong khi ấp, chim nhảy ra khỏi tổ ngay khi có các tác động nhẹ từ bên ngoài, con còn lại không nhanh chóng vào ấp thay thế.
  • Chim trống ít quan tâm đến việc chia sẻ thời gian ấp trứng trong ngày phụ giúp lúc chim mái ra ngoài để ăn uống.

2. Can thiệp khi chim con bị quăng ra khỏi tổ

Khi chim con mới nở, 48 tiếng đầu tiên là rất quan trọng. Nếu sau khoảng thời gian 48 giờ trôi qua với tất cả các con chim con đã nở an toàn và được chăm sóc, thì xác suất chim bố mẹ ném con ra ngoài được giảm đi rất nhiều. Vì vậy, nếu có vấn đề với việc nuôi con, thì điều này sẽ xảy ra trong khoảng thời gian 48 giờ đầu tiên ngay khi chim non chui ra khỏi trứng.

Không có cách nào đảo bảo 100% chim con sẽ có cơ hội sống sót khi bị chim bố mẹ bỏ rơi hoặc vứt ra ngoài. Mọi nỗ lực theo từng tình huống cụ thể chỉ nhằm mục đích tăng cơ hội sống sót cho chim non đến mức cao nhất có thể.

chim-7-mau-non-bi-nem-ra-ngoai

Chim non bị ném ra khỏi tổ và chết ( Ảnh: www.mygouldianfinches.com)

Bước 1: Xác định tình huống

Có hai trường hợp, chim bố mẹ ném con ra ngoài và chim bố mẹ cắn gây thương tích cho chim con. Chim bố mẹ ném con ra ngoài gây ít nguy hiểm hơn, chúng chỉ ngậm chim non vào miệng và vứt ra khỏi tổ. Trường hợp chim bố mẹ cắn con sẽ gây nguy hiểm hơn, chim con sẽ bị thương bởi những vết cắn, vết mổ gây bầm tím, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới chảy máu và chết.

Bước 2: Can thiệp cho trường hợp chim bố mẹ ném con ra khỏi tổ

Nếu bạn đã xác định được chim bố mẹ chỉ ném chim non ra khỏi tổ mà không cắn hay mổ gây thương tích. Hãy nhặt rồi thả chim non vào lại trong tổ và tiếp tục làm như vậy trong khoảng thời gian 48 giờ đầu tiên nếu bạn tìm thấy bất kỳ con chim non nào khác trên sàn lồng. Nếu may mắn, chim bố mẹ sẽ chấp nhận nuôi chim non mà không vứt ra ngoài nữa. Điều này đòi hỏi bạn phải kiểm tra lồng thường xuyên (vài giờ 1 lần) vì chim con có thể bị lạnh và chết nếu chúng bị bỏ rơi quá lâu trên sàn lồng. Nhớ kiểm tra đáy lồng vào buổi sáng và trước khi chim đi ngủ vào ban đêm. Nếu sau 48 giờ chim non vẫn bị ném ra khỏi tổ, hãy thực hiện bước 3 dưới đây.

Bước 3: Can thiệp đối với chim bố mẹ cắn gây thương tích cho chim con

Chim bố mẹ gây thương tích cho chim non mới nở bằng cách cắn hoặc mổ nên được xử lý theo một cách khác. Những con chim non bị tổn thương lúc mới nở nếu sống sót cũng rất dễ bị biến dạng do những vết thương mà bố mẹ chúng gây ra. Do đó cần ưu tiên xác định chim trống hay chim mái là nguyên nhân gây ra thương tích cho chim non. Đầu tiên bắt chim trống và để qua lồng khác, thứ hai đặt chim non vào trong tổ cho chim mái để tiếp tục nuôi chúng. Nếu sau vài giờ chim mái vẫn chăm sóc cho chim non thì đây là dấu hiệu tích cực. Theo dõi chim mái trong vài ngày tới và sau ngày thứ năm cho chim trống trở lại vào lồng nhưng phải quan sát gắt gao chim trống để xem những gì nó làm. Nếu chim trống đảm nhiệm công việc của cha mẹ thì tất cả đều tốt. Còn nếu nó tiếp tục hành vi ban đầu thì cần phải bắt và đưa nó qua một lồng khác lại. Nếu chim mái vẫn tiếp tục nuôi con thì bạn có thể thử đưa chim trống trở lại lồng lần thứ hai khi chim non đã lớn hơn theo chu kỳ 5 ngày. Bởi thời điểm này chim trống sẽ không có bất kỳ tác hại nào đến với chim non và chim trống có thể bắt chước chim mái bắt đầu nuôi chim non.

Nếu bạn đã thử các bước trên mà không thể cải thiện tình hình thì bạn nên xem xét nuôi chim non bằng các loài chim khác hoặc chính bản thân bạn.

chim-7-mau-non

Chim mái vẫn nuôi con tốt sau khi đã tách chim trống qua lồng khác

chim-7-mau-non

Chim non 5 ngày tuổi, hình được chụp sau khi thả chim trống trở lại lồng. Các bạn hãy chú ý phần đầu của chú chim bị bố cắn. Sau khi thấy vết cắn tôi đã bắt và bỏ chim trống qua lồng khác lần thứ 2.

chim-7-mau-non-3

Chim trống đã nuôi con và không thấy dấu hiệu cắn con khi được thả lại vào lồng sau 2 lần cách ly.

Nếu cặp chim bố mẹ không nuôi con tốt ở lứa đầu tiên, nên cho chúng thêm một cơ hội ở lứa tiếp theo. Ở lứa tiếp theo bạn có thể thử thay đổi chế độ dinh dưỡng cho cặp chim bố mẹ. Theo đó, khi chim mái bắt đầu đẻ trứng, dừng cung cấp các loại thức ăn giàu protein và chỉ cho ăn các loại hạt thông thường. Vì quá nhiều protein có thể làm rối loạn chu kì sinh sản ở chim bố mẹ, chúng sẽ bỏ tổ hoặc ném trứng ra ngoài để giao phối và xây dựng lại. Nếu mọi thay đổi và cố gắng không mang lại kết quả như mong muốn, bạn nên xem xét thay đổi môi trường từ nuôi lồng sang nuôi avi trước khi cố gắng để chúng thử lại lần thứ ba. Trong avi rộng lớn, có hy vọng chúng sẽ sinh sản tốt hơn trong chuồng nuôi chật hẹp.

Nguyễn Trọng Nam

Bài viết liên quan

about me

NGUYỄN KHẮC PHI LONG

Xin chào, tôi là Long! Chào mừng bạn ghé thăm blog VnFinch. Trang chia sẻ kiến thức tổng hợp cho người yêu Finch. Mọi ý kiến đóng góp, phản hồi xin vui lòng liên hệ tại trang facebook cá nhân. Xin chân thành cảm ơn!

facebook tiktok youtube zalo