Cách phân biệt chim sắc nhật trống mái
By longnkp / May 19 2018 / Tổng quan
Chim sắc nhật, tên tiếng anh là Society Finch, Bengalese Finch hay Japanese Movchen, là một trong số ít các loài finch thuần chủng. Chim sắc nhật được con người tạo ra thông qua việc lai tạo có chọn lọc các loài chim sẻ hoang dã khác, vì vậy chúng ta sẽ không thể tìm thấy chim sắc nhật trong môi trường tự nhiên. Là loài thuần chủng nên chim sắc nhật hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thích nghi tuyệt vời với điều kiện nuôi nhốt, dễ dàng trở thành thú cưng trong gia đình.
Đặc điểm ngoại hình
Chim sắc nhật có thân hình nhỏ nhắn, được lai tạo thành nhiều biến thể màu sắc. Các màu phổ biến như màu pied, trắng, nâu trắng, vàng, nâu vàng, màu socola, màu đen, màu xám và màu hạt dẻ.
Màu sắc ở chim sắc nhật
Chế độ ăn uống
Chim sắc nhật vốn nổi tiếng về việc dễ tính trong vấn đề ăn uống. Thức ăn chủ yếu của sắc nhật là hạt kê, có thể bổ sung thêm các loại hạt ngoại nhập khác như hạt láng, hạt mix, yến mạch vv.. Sắc nhật cũng thích ăn rau xanh như xà lách, rau cải. Để có cái nhìn tổng thể về dinh dưỡng cho chim sắc nhật cũng như các loài finch nói chung, mời bạn đọc xem thêm tại bài viết Dinh dưỡng cho finch
Lồng nuôi
Như đã đề cập ở đầu bài viết, chim sắc nhật là loài thuần chủng, vì vậy nó có thể thích nghi và sinh sản tốt ở bất kỳ điều kiện nuôi nhốt và kích thước lồng nuôi nào. Tuy nhiên, kích thước lồng nuôi khuyến cáo là khoảng từ 30x30x40cm hoặc 40x40x60cm cho 1 cặp chim bố mẹ là tốt nhất. Kích thước lồng nuôi này sẽ không quá chiếm diện tích trong gia đình bạn, cũng vừa đủ để chim bay lại thoải mái, vận động cơ bắp.
Chim sắc nhật có tập tính ngủ trong tổ, vì vậy ngoài việc trang bị máng đựng thức ăn và cóng nước, cần chuẩn bị sẵn cho chim một hộp gỗ hoặc giỏ tre để chim có chỗ ngủ vào buổi tối.
Một số mẫu tổ cho chim sắc nhật
Hành vi
Ngoài việc dễ nuôi, dễ sinh sản, phù hợp cho những người mới tập nuôi finch sinh sản. Chim sắc nhật còn sở hữu một đặc điểm đặc biệt đó là khả năng làm vú nuôi cho các loài finch khác. Nó có thể ấp trứng, nuôi con hộ cho các loài finch cùng kích thước khác. Việc nhân giống và lai tạo các loài finch khác nhau không phải bao giờ cũng thuận lợi, ví nhiều lý do, chim bố mẹ có thể bỏ ấp, bỏ nuôi con hoặc vứt con ra khỏi tổ. Vì vậy sở hữu một vài cặp chim sắc nhật để làm vú nuôi cho các loài finch khó tính là một lựa chọn không tồi để đối phó với các trường hợp bất khả kháng.
Phân biệt trống mái
Rất khó để có thể phân biệt chim sắc nhật trống mái bằng việc quan sát màu sắc và đặc điểm ngoại hình. Chim trống và chim mái gần như giống hệt nhau. Chỉ có thể chắc chắn phân biệt được giới tính của chim sắc nhật thông qua việc quan sát các hành vi như hót tán tỉnh chim mái ở chim trống và đẻ trứng ở chim mái.
Còn một số mẹo và phương pháp để phân biệt trống mái được nhiều người nuôi chim sắc nhật lâu năm truyền tai nhau, tuy nhiên tất cả chỉ mang tính chất tham khảo, không thể chắc chắn đúng 100%.
Phương pháp 1: Kẹp cổ
Bạn sử dụng 2 ngon tay để kẹp vào cổ và treo cho cơ thể chim buông tự do như trên hình. Tiến hành quan sát vị trí đuôi. Đuôi chếch về phia sau là chim mái, đuôi duỗi thẳng đứng theo chiều dọc là chim trống.
Phương pháp 2: Nhìn vị trí mắt
Ở phương pháp này, chúng ta nhìn vị trí tương đối của mắt so với rãnh giữa 2 mỏ. Nếu vị trí mắt năm GIỮA đường đường nối dài giữa mỏ trên và mỏ dưới của chim thì đó là chim trống. Nếu vị trí mắt nằm TRÊN đường nối dài giữa mỏ trên và mỏ dưới của chim thì đó là chim mái.
Phương pháp 3: Nhìn hình dáng mỏ
Khi quan sát hình dáng đầu của chim sắc nhật từ phía trên. Chim trống thường có mỏ to, chim mái thường có mỏ nhọn và hẹp hơn.
Khi nhìn từ mặt bên theo chiều ngang, chim trống thường có một rãnh lõm xuống ở vị trí sát mép mỏ và da đầu.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
- Chọn tổ đẻ phù hợp cho các dòng chim finch
- Chim Vĩ Hỏa - Diamond Firetail Finch
- Các loại thuốc thông dụng cho finch
- Cách phân biệt chim sắc nhật trống mái
- Màu sắc ở chim 7 màu - Gouldian finch
- Chim 7 màu
- Nguyên nhân và cách xử lý chim bố mẹ ném con ra khỏi tổ
- Cách phân biệt trống mái ở chim 7 màu
- Công dụng và cách sử dụng dấm táo cho chim cảnh
- Bệnh cầu trùng trên chim cảnh